Địa lý Nevada

Công viên tiểu bang Valley of Fire

Tiểu bang Nevada giáp với Utah về phía đông, giáp với Arizona về phía nam, giáp với California về phía tây và tây nam, giáp với Oregon về phía tây bắc và giáp với Idaho về phía đông bắc.

Phần lớn diện tích Nevada nằm trong một vùng bồn địa thấp và bị chia cắt bởi rất nhiều các dãy núi chạy theo chiều bắc nam. Nhiều dãy núi ở Nevada có đỉnh núi cao trên 4000 m trong khi các thung lũng cũng không thấp dưới 900m. Những dãy núi này có các con sông nhỏ đổ vào một bồn địa trũng trong đất liền chứ không đổ ra biển. Ví dụ như sông Humboldt chảy từ đông sang tây và đổ vào vùng bồn địa Humboldt. Một số con sông khác lại chảy từ tây sang đông bắt nguồn từ dãy Sierra Nevada như sông Walker, sông Truckee và sông Carson.

Miền bắc tiểu bang Nevada nằm trong sa mạc Great Basin, một sa mạc thuộc vùng ôn đới với mùa hè nóng và mùa đông nhiệt độ hạ xuống gần điểm đóng băng. Thình thoảng, hơi ẩm từ gió mùa Arizona mang đến cho vùng sa mạc này những trận mưa bão, hay các cơn bão từ Thái Bình Dương đổ vào cũng có thể gây ra bão tuyết về mùa đông. Nhiệt độ cao nhất tại Nevada là 51,7°C ghi được tại Laughlin vào ngày 29 tháng 6 năm 1994[1].

Phía đông của tiểu bang chịu ảnh hưởng của gió mùa Arizona nhiều hơn nên cây cối khá xanh tốt. Cây ngải đắng là loài cây mọc chủ yếu tại đây. Vùng này có nhiều sông suối chảy qua và làm biến đổi hẳn cảnh quan hoang mạc.

Phần phía nam của tiểu bang, trong đó có thành phố Las Vegas nằm trong sa mạc Mojave. Địa hình vùng này thấp hơn phía bắc với độ cao trung bình khoảng 1200m. Mùa hè thường nóng còn mùa đông có thể thay đổi từ mát mẻ sang vô cùng lạnh lẽo.

Nhìn chung khí hậu của Nevada tương đối khắc nghiệt với mùa hè ngắn, nhiệt độ cao hơn 40°C với một mùa đông dài và lạnh. Do nằm trong khu vực bồn địa và bị các dãy núi cao chắn hơi ẩm từ biển vào, lượng mưa ở Nevada khá thấp và khiến hoang mạc trở thành dạng địa hình chính tại đây.